“Mua nhà” – nghe hai từ sao quá đơn giản nhưng để làm được điều này lại khó vô cùng. Nhiều gia đình có mức thu nhập trung bình hàng tháng 15 triệu nhưng vẫn chưa mua được nhà.

“Mua nhà” – nghe hai từ sao quá đơn giản nhưng để làm được điều này lại khó khăn vô cùng. Nhiều gia đình có mức thu nhập trung bình 15 triệu/tháng, sống tằn tiện thiếu trước hụt sau nhưng vẫn chưa chắc sau 20 năm có thể mua được nhà.

“Tiền ăn uống sinh hoạt không đủ, lấy đâu ra tiền để dành mua nhà”

Đó là trường hợp của gia đình Chị Vân, hiện đang thuê nhà trọ tại một hẻm nhỏ quận Bình Thạnh, TP.HCM. Chị Vân cho biết hai vợ chồng chị mới cưới nhau không lâu, cả hai đều là viên chức nhà nước. Chị Vân đang nhận mức lương hàng tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng, còn lương của chồng Chị là 8 triệu, vị chi của cả hai là 13 triệu/tháng.

Trong khi đó, mỗi tháng vợ chồng chị Vân phải chi phí cho tiền ăn của cả hai là khoảng 4 triệu đồng; tiền thuê phòng trọ (gồm cả tiền điện, nước) 2,5 triệu đồng; tiền chi tiêu cá nhân 1,5 triệu đồng. Tất cả những khoản này đã ngốn của vợ chồng chị 8 triệu đồng. Nếu trừ đi tổng thu nhập của cả hai thì mỗi tháng chỉ còn lại vỏn vẹn 5 triệu đồng.

Đó là chưa kể hàng loạt khoản chi phí khác phát sinh trong tháng như: chi phí đám cưới, sinh nhật gia đình/họ hàng/đồng nghiệp, thôi nôi… Tính ra tổng số tiền chi thường xuyên hàng tháng khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Mỗi tháng cố gắng tằn tiện, vợ chồng chị Vân có thể dư được khoảng 3 triệu đồng, một năm tiết kiệm được 36 triệu đồng. Còn tiền thưởng cũng chỉ đủ chi tiêu lễ, tết, về quê. Sau này nếu có con nhỏ, số tiền dư hàng tháng 3 triệu đồng chắc cũng sẽ không còn lại bao nhiêu. Lúc đó buộc anh chị phải làm thêm việc gì đó để có thêm nguồn thu nhập mới.

Theo chia sẻ của chị Vân, với giá căn hộ chung cư rẻ nhất hiện nay cũng dao động từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng/căn thì hai vợ chồng chị phải tiết kiệm liên tục hơn 20 năm may ra mới mua được nhà. Tuy nhiên, giá nhà sẽ càng ngày càng tăng nên khi để dành đủ số tiền đó thì cũng không còn nhà giá rẻ để mà mua. Còn nếu liều lĩnh vay ngân hàng mua nhà ngay lúc này thì áp lực trả nợ hàng tháng của hai vợ chồng sẽ rất lớn.

Trong trường hợp gia đình chị Vân có hai con nhỏ thì chi phí hàng tháng sẽ nhiều hơn, nên hơn 20 năm sau chưa chắc đã tích lũy đủ tiền mua nhà.

“Nỗi đau không của riêng ai”

Trường hợp tương tự như gia đình chị Vân không phải là ít. Trên thực tế, hiện nay rất nhiều người Việt với mức thu nhập trung bình và thấp rất khó mua được nhà ở nếu không có sự hỗ trợ từ người thân, bà con họ hàng hay vay tiền ngân hàng.

Như trường hợp của anh Minh hiện đang ở trọ tại Hóc Môn, TP.HCM. Anh Minh cho hay vợ chồng anh có hai con nhỏ. Vợ anh làm công nhân với mức lương 6 triệu đồng/tháng, còn anh làm nhân viên kỹ thuật với mức thu nhập hàng tháng cũng chỉ 10 triệu đồng.

Anh Minh thở dài: “Gia đình tôi rất muốn dành dụm tiền để mua một căn nhà nhỏ nhưng với tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng thì chỉ đủ chi tiêu, có những tháng không đủ, lấy tiền đâu mà mua nhà”.

Theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, giá nhà ở tại TPHCM hay các thành phố lớn khác hiện không phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân. Với mức thu nhập của một hộ gia đình tiêu biểu, để mua được một căn hộ bình dân phải tiết kiệm liên tục 17 năm.

Vị chuyên gia này đưa ra dẫn chứng, hộ gia đình tiêu biểu ở đô thị Việt Nam thu nhập hằng tháng khoảng 15 triệu, chi tiêu hằng tháng trung bình khoảng 9 triệu, còn lại tiền tiết kiệm để mua nhà khoảng 6 triệu, vị chi mỗi năm sẽ để dành được khoảng 72 triệu đồng cho mục tiêu mua nhà.

Trong khi đó, một căn hộ hạng bình dân (diện tích 60, 70 m², 1-2 phòng ngủ) giá khoảng trên 1 tỷ/căn. Như vậy để mua được căn hộ như thế này, các hộ gia đình tiêu biểu phải tiết kiệm liên tục 16-17 năm mới đủ chi trả.