Thấy tôi chắt bóp từng đồng, chỉ có bất động sản ngày một ‘nở’ ra, nhiều người trong thôn cười khẩy ‘nhiều đất làm gì rồi chẳng dám ăn tiêu’.
Tôi xuất thân từ hai bàn tay trắng, quê tôi ở một tỉnh lẻ. Để mưu sinh, từ nhỏ đến lớn, tôi đã phải làm rất nhiều nghề, kể cả vay mượn để kinh doanh. Đến giờ, khi đã ở tuổi 38, cuộc sống của tôi cũng tạm ổn.
Thực trạng hiện nay, câu chuyện mua bán bất động sản đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong xã hội, gần như trở thành một xu thế khi người người làm giàu từ nhà đất. Vấn đề là điều đó tốt hay xấu? Tôi xin chia sẻ vài ý kiến cá nhân của mình về câu chuyện này.
Nhiều người dân ở quê tôi có đất từ đời cha ông để lại. Khi thấy giá đất tăng chóng mặt, nhiều người từ các địa phương khác đổ về hỏi mua với giá cao, người trong làng đua nhau cắt đất bán dần. Bán được đất, kiếm được một khoản tiền lớn, họ xây sửa lại nhà cửa khang trang. Một số khác thậm chí còn dư tiền để mua xe. Cũng từ đó, người dân quê tôi chi tiêu thoáng hơn, bạo hơn.
Nhưng đằng sau bức tranh đổi đời đó là gì? Thế hệ con cháu họ, khi cần đất để làm nhà, đương nhiên không mua được chính mảnh đất cha ông mình đã bán năm xưa vì giá quá cao. Và họ lại đổ tại bất động sản tăng giá mất kiểm soát, đổ tại nhà nước không kiểm soát được giá đất, đổ tại cò đất làm lùng đoạn thị trường, đổ tại dân đầu cơ găm đất thổi giá…
Còn tôi, sau bao nhiêu năm làm lụng, kinh doanh, xoay đủ nghề, và dành dụm, tích góp, cuối cùng cũng đã mua vài bất động sản. Tất nhiên, để làm được điều đó, cái giá mà tôi phải trả cũng không hề nhỏ, cũng phải bóp bụng tiết kiệm, phải liều mình đi vay nợ ngân hàng… Trong khi làng xóm đủng đỉnh, tiêu pha hết cỡ vì có tiền bán đất, thì tôi lại căn cơ từng đồng.
Thấy tôi chẳng ăn tiêu gì, chỉ có bất động sản cứ ngày một “nở” ra, nhiều người trong thôn cười khẩy, nói với tôi rằng “nhiều đất để làm gì trong khi ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu”. Đến khi bất động sản tăng giá chóng mặt, tôi lại thấy chính những người đó than thở “tới bao giờ mới mua được đất làm nhà”. Tất nhiên, hầu hết trong số đó là những người lười làm việc, có tiền chỉ nghĩ đến tiêu xài phung phí.
Phải khẳng định rằng, tôi kịch liệt phản đối việc đầu cơ bất động sản “lướt sóng”, mua đi bán lại kiếm lời. Đó chính là nguồn cơn của “sốt đất”, tạo nên sự phát triển lệch lạc của thị trường. Thiết nghĩ, nhà nước cần sớm có quy định đánh thuế cao với những người mua đi bán lại nhà đất trong thời gian dưới hai năm.
Với tôi, đầu tư bất động sản chân chính cũng phải học hành kiến thức tử tế, phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ cho nhà nước. Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc bất động sản tăng giá là lẽ đương nhiên. Bất cứ quốc gia phát triển nào cũng trải qua giai đoạn này. Vì xét cho cùng, đầu tư bất động sản cũng là công sức lao động, mồ hôi nước mắt cả, tiết kiệm, tính toán chi ly, không phải cứ ngồi không là có. Thế nên, người đầu tư vào nhà đất không xấu, chỉ có những kẻ đầu cơ “lướt sóng” mới đáng bị lên án và ngăn chặn.