Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
165 lượt xem

Chồng không cho tôi đứng tên cùng trên đất được thừa kế

Sau việc này, tôi bắt đầu có những tính toán riêng cho bản thân. Tôi có vô lý không khi bắt anh cho đứng tên đất thừa kế của anh?

Tôi 37 tuổi, lấy chồng được 10 năm, đang sống chung với nhà chồng. Gia đình chồng có năm anh em, anh là con thứ tư, sau còn cô em út bằng tuổi tôi chưa lập gia đình, đang sống cùng nhà. Tôi về làm dâu được 10 năm, chưa có xích mích gì xảy ra. Mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu, anh em trong nhà rất tốt, chưa có điều tiếng gì. Vợ chồng tôi đều làm hành chính, lương anh tám triệu đồng mỗi tháng, đưa tôi năm triệu đồng, khoản tiền này vừa đủ chi phí ăn uống, bồi dưỡng cho anh và nộp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của anh (30 triệu đồng mỗi năm).

Lương hành chính tôi được sáu triệu đồng, cộng với khoản làm thêm từ kinh doanh online, tính ra bình quân tháng tôi được hơn 15 triệu đồng. Toàn bộ tiền lương của tôi dùng cho phần lớn chi phí sinh hoạt trong nhà gồm bốn người lớn và con trai bảy tuổi. Mẹ chồng không có lương hưu, em chồng ở chung nhà không đóng góp bất kỳ khoản chi tiêu nào. Lúc mới cưới, do thu nhập còn thấp nên tôi nói em đóng góp, mãi không thấy em đả động gì. Nói nhiều không khí gia đình nặng nề thêm nên tôi bỏ qua, tự mình gánh hết, thỉnh thoảng em mua giúp ít đồ dùng vặt trong nhà. Tôi sống ở vùng quê, có nhà sẵn của ông bà nên nhiều khoản chi tiêu nhưng không đến nỗi quá khó khăn. Tính tôi khá thoải mái, không so đo tính toán, nội ngoại tôi đều quan tâm như nhau nên mẹ chồng thương, được lòng anh em bên chồng.

Chồng tôi khá khó tính, kỹ tính, từ mẹ chồng đến anh em bên chồng đều nhận xét như vậy, còn đùa rằng chỉ tôi mới sống được với anh. Anh ưa ngăn nắp, sạch sẽ, không thuốc lá, ít nhậu nhẹt, chỉ thích đi chơi với vợ con nên tôi luôn nhìn vào mặt tích cực, không mong cầu gì thêm. Mọi chuyện sẽ không có gì phải phàn nàn nếu không có chuyện xảy ra như sau:

Trước lúc ba chồng mất, ông chia đất cho bốn con trai. Vì là đất từ đời ông bà để lại nên ông dặn dò không được bán, ba anh chồng đã tách thửa từ trước, làm sổ hồng riêng, sổ hồng đều đứng tên cả vợ chồng của các bác. Đến lượt chồng tôi làm hồ sơ chuyển sổ thì anh chỉ đứng tên một mình, không trao đổi hay có ý kiến gì với tôi trước đó. Trong khi kể cả mẹ chồng và các anh em nhà chồng đều nghĩ chúng tôi cùng đứng tên. Lúc vô tình thấy cuốn sổ hồng trong tủ chỉ có tên chồng, tôi thực sự rất buồn, vợ chồng tranh luận gay gắt một buổi. Tôi luôn nghĩ nếu không thấy, chắc anh cũng chẳng định nói gì. Tôi hỏi sao anh làm thế, không nói với vợ tiếng nào, có phải đề phòng cả với vợ? Nhà chồng đồng thuận cho chúng tôi, 10 năm qua tôi cũng gánh vác tài chính trong nhà, không ai chê trách điều gì.

Tính tôi không tham lam, chưa bao giờ có ý định tranh giành đất đai thờ tự nhà chồng, nhưng cảm giác chồng không tin tưởng và đề phòng với mình thật khó chịu. Anh giải thích loanh quanh, rất vô lý rằng: Làm thế để thủ tục thừa kế đỡ phức tạp, sau đó làm thủ tục đổi sổ và cho tôi đứng tên cùng. Tôi không tin vào lời giải thích của anh nhưng vẫn chấp nhận chờ kết quả anh cam kết thực hiện. Đến nay đã hơn ba năm trôi qua, mọi việc chưa có động tĩnh gì. Tôi vẫn chăm sóc gia đình bình thường, không chia sẻ với ai trong nhà về việc này.

Lúc buồn quá tôi tâm sự với mẹ chồng nhưng bà cũng không có ý kiến gì. Anh em trong nhà vẫn nghĩ vợ chồng tôi được đứng tên thừa kế phần lớn đất của ông bà, vì thế phải có trách nhiệm chính là chăm sóc bà và lo việc thờ tự. Tôi chỉ cười và không nói gì. Đợt vừa rồi, anh đề cập vấn đề xây nhà do nhà ông bà đã xuống cấp, hướng nhà lại không hợp với tuổi của anh. Tôi nhất trí nhưng đưa ra hai phương án:

Phương án một: Chỉ xây nhà khi vợ chồng đều được đứng tên trên sổ hồng. Tôi không muốn bỏ tiền xây nhà trên đất không phải của mình. Tôi trao đổi thẳng thắn với anh là sau khi sang tên, tôi sẵn sàng viết giấy cam kết để lại phần tài sản cho con, tuyệt đối không tranh chấp đất nhà chồng. Tôi không cần đất đai bên nhà chồng cho nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho con nếu trong trường hợp vợ chồng ly hôn. Còn không chuyển tên thì anh tự bỏ chi phí xây nhà nếu muốn, tôi không có ý kiến gì; trường hợp này bất khả thi vì chồng chỉ có thu nhập từ lương.

Phương án hai: Ra xây nhà trên đất riêng. Cách đây năm năm, tôi nhanh nhạy bàn với chồng vay mượn rồi đấu giá được lô đất gần nhà nội, giờ giá đất tăng khá cao. Một tay tôi tự xoay vốn, tự đi đấu giá đất, tự trả nợ, giờ nợ nần cơ bản đã trả xong, chúng tôi dư được đám đất này. Nếu theo phương án một, tôi bán lô này sẽ đủ tiền xây nhà, còn theo phương án hai sẽ phải vay tiền xây nhà. Tuy nhiên phương án hai chắc chắn anh không đồng ý vì không bao giờ có tư tưởng ra ở riêng, anh nói trách nhiệm thờ tự giờ là của anh, nhà này bây giờ của anh, anh không đi đâu cả. Còn phương án một anh vẫn dùng dằng chưa chịu đi chỉnh sửa sổ để thêm tên tôi vào.

Tôi không vội vấn đề xây nhà nên vẫn thoải mái chờ anh xử lý, không giục gì. Những lúc bình thường vui vẻ, quên đi thì không sao, khi nhớ tới chuyện đó tôi buồn vô cùng, cảm giác không tin tưởng anh. Chồng cho tôi cảm giác phải đề phòng. Nhiều lúc tôi thấy rất chán, cảm giác bản thân thật thiệt thòi, đã làm trụ cột gánh vác hết phần lớn gánh nặng trong nhà mà đổi lại chồng tính toán thiệt hơn. Đôi lúc tranh luận đến vấn đề xây nhà, anh lại hứa cứ để anh xử lý, nhưng với tôi dù sau này anh có sửa tên thì cũng không còn giá trị gì.

Có phải tôi ích kỷ quá không? Vấn đề này ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của tôi. Có lúc mệt mỏi vì gánh nặng kinh tế gia đình, stress vì công việc, chồng khó tính, tôi lại bất chợt muốn ly hôn. Tôi cam kết việc muốn đứng tên trên tài sản thừa kế chỉ duy nhất vì mục đích đảm bảo quyền lợi của con. Liệu có phương án nào khác ngoài hai phương án trên không? Xin độc giả cho tôi lời khuyên sáng suốt. Chân thành cảm ơn.

Bài viết cùng chủ đề: