Sau nhiều năm gắn bó với trồng lúa nhận thấy thu nhập mang lại không cao, ông Lường Văn Triệu đã quyết định đào ao thả cá chuyển đổi sang mô hình vườn ao chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Ông Lường Văn Triệu xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Sau nhiều năm trồng lúa, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên năm 2018 ông đã quyết định đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi, phát triển mô hình vườn, ao, chuồng (VAC).
Hiện gia đình ông Triệu đang có 1.000m2 diện tích ao nuôi cá, trong đó ông nuôi chủ yếu các loại cá như trắm, chép và rô phi đơn tính. Điểm khác biệt so với nhiều loại ao nuôi cá khác đó là ông thiết kế ao nổi, trước đây là ruộng lúa được ông xây bờ lên.
Ưu điểm của loại ao này là sau khi thu hoạch cá xong, ông lại có thể tháo nước đi để cấy lúa, đồng thời dễ dàng khử trùng, tẩy rửa hơn so với những loại ao thông thường. Ngoài ra, theo ông Triệu, làm ao nổi còn có lợi thế đó là khi lũ lụt nước không thể tràn vào ao được nên không lo cá bị trôi đi mất.
Vì ao cá được xây ngay cạnh mương nước và cao hơn bề mặt mương, do đó ông Triệu thiết kế một guồng quay nước ngay cạnh để đưa nước lên ao, sau đó nước từ ao lại chảy ra ngoài mương nên vô cùng tiện lợi.
Ông Triệu thường chọn thời điểm tháng 2, tháng 3 trong năm để thả lứa cá mới. Đến cuối năm gia đình ông sẽ lựa chọn những con cá đạt tiêu chuẩn để xuất bán, còn lại những con không đạt chuẩn sẽ được chuyển xuống để nuôi lồng. Sau đó sẽ tiến hành khử trùng ao nuôi, khi đảm bảo điều kiện sẽ tiếp tục thả cá vào ao để nuôi tiếp. Thông thường thì thời gian khử trùng ao sẽ thực hiện trong khoảng 1 tuần vì phải đảm bảo nước luôn có trong ao để chèo thuyền ra thu hoạch mướp.
Thức ăn của cá được gia đình ông chăn kết hợp cả cám công nghiệp và cỏ để đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển và đạt trọng lượng xuất bán. Ở giai đoạn đầu ông chăn cám, sau đó khi cá phát triển đến giai đoạn lớn hơn thì sẽ chuyển sang chăn cỏ.
Để đảm bảo phòng ngừa cá không bị bệnh về nấm thì cần phải tiến hành thay nước trong ao thường xuyên. Còn khi cá đã mắc bệnh thì phải mua thuốc về để điều trị vì về cơ bản bệnh này cũng dễ chữa. Bên cạnh đó cần chú ý đến tỷ lệ và mật độ cá trong ao cho phù hợp, không nuôi quá thưa hoặc quá dày. Trung bình với hơn 1.000m2 mặt nước, ông Triệu thả khoảng 3.000 con cá.
Ngoài ra, để tránh nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời cho cá, ông Triệu còn trồng thêm giàn mướp trên mặt ao giúp che chắn và tạo không khí mát mẻ cho cá phát triển thuận lợi hơn. Theo ông Triệu chi phí để làm hệ thống ao và giàn mướp hết khoảng 250 triệu đồng.
Mướp được ông trồng nối tiếp với su su nên quanh năm đều được thu hoạch quả.
Ngoài nuôi cá, gia đình ông Triệu còn kết hợp nuôi thêm dê, vịt đẻ và làm lò ấp trứng. Nhưng năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên ông bỏ nuôi vịt và lò ấp chuyển sang tập trung nuôi dê.
Chỉ tính riêng thu nhập từ bán mướp và su su mỗi năm cũng cho gia đình ông Triệu khoảng gần 100 triệu đồng, cộng thêm thu nhập từ nuôi cá và dê mỗi năm khoảng 70 – 80 triệu, trung bình mỗi năm tổng thu nhập từ mô hình VAC của gia đình ông khoảng gần 200 triệu đồng.
Ông Ma Khánh Hoà – Cán bộ hội nông dân huyện Võ Nhai đánh giá: Hộ gia đình ông Lường Văn Triệu là hộ nông dân tiêu biểu, làm kinh tế giỏi ở địa phương. Với cách làm sáng tạo, nuôi cá trên diện tích mặt nước ao nổi nên không ảnh hưởng đến diện tích đất cấy lúa trước đó. Một điểm sáng tạo nữa là ông Triệu đã xây dựng giàn mướp trên mặt ao vừa góp phần tránh nóng và lạnh cho cá vừa cải thiện và nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây là mô hình sáng tạo để cho các hội viên nông dân học tập và áp dụng.