Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
72 lượt xem

Bố mẹ không muốn con là THIÊN TÀI: Chỉ muốn con là đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Năm con gái tôi học lớp 3, để vươn lên và vượt các bạn trong môn Toán, tôi đã ép con gái mình đi học thêm, sau giờ học chính. Và chỉ một thời gian ngắn sau, tôi chợt nhật ra con gái mình đã thay đổi: Mệt mỏi, trầm lắng, thậm chí tới mức như là tự kỷ.

Tối hôm đó, tôi quyết định viết cho con gái mình một bức thư. Bức thư thế này

“BỐ KHÔNG MUỐN CON LÀ THIÊN TÀI

Con gái học lớp 3, năm nào cũng Học sinh giỏi, ít nhất là Top 3 của lớp.

Dường như bố mẹ chưa hài lòng về điều ấy. Vậy là con được đăng ký học một lớp nâng cao của một ông Tiến sĩ Toán, chuyên luyện thi Học sinh giỏi.

Thực tình, bố mẹ hy vọng con thích học ông này. Nhưng không ngờ, ngay những buổi học đầu tiên, con đã rơi vào trạng thái, áp lực để (và phải) trở thành học sinh giỏi Toán quá khủng khiếp. Mỗi tuần chỉ một buổi thôi, vào buổi tối, nhưng với con, có lẽ là buổi tối kinh khủng nhất trong tuần.

Con gái à, ai cũng muốn con cái mình học thật giỏi. Và có lẽ sai lầm của bố mẹ chính là việc thay vì cho con được sống, chơi và học theo cách con muốn, bố mẹ bắt con cái học ngày đêm, bắt con học thay cho chính mình.

Bố không muốn sai lầm như thế và dù con không dám nói với bố là con không thích học ông Tiến sĩ với bài toán nâng cao thì ánh mắt, cái nhìn của con đã nói thay rồi.

Con cần sống với đúng những gì con mơ ước và điều bố muốn nói là BỐ KHÔNG MUỐN CON LÀ THIÊN TÀI, bố chỉ muốn con là đứa trẻ bình thường, được sống bình thường.

Và trong lúc này, bố quyết định buổi học hôm nay – buổi học Toán nâng cao sẽ là buổi học cuối cùng của con với tư cách là học trò ông Tiến sĩ Toán.

Tái bút: Ngày xưa bố cũng là một học sinh không giỏi Toán và bố chưa bao giờ hối tiếc về điều này”.

Cho đến bây giờ thì con gái tôi vẫn không giỏi toán. Ngay cả khi con có điểm số không tốt, chúng tôi không hề trách móc, cố gắng động viên con gái mình. Nguyên tắc là trong các môn học, ưu tiên những gì con thích học trước. Không bao giờ có chuyện ép buộc và thông thường là đưa ra những mức thưởng để con cố gắng.

Có lẽ tôi là người bố may mắn khi nhận thấy con gái mình tự giác học, tự biết cố gắng, dù không bị bố mẹ đặt ra bất kỳ chỉ tiêu cao nào.

Bây giờ, tôi vẫn nhận được thư của con gái mình. Những bức thư gửi từ Đông Âu – nơi cô con gái 14 tuổi của tôi đang du học tại một trường cấp 2. Con gái tôi nói rằng, gần như áp lực lớn nhất của học sinh ở đây là môn… thể dục, áp lực học hành cũng có nhưng nhà trường luôn tạo ra những kỳ thi mở, những cơ hội để học sinh tự giác lấy điểm và vượt qua môn.

Con gái tôi nhắn thêm rằng: “Với em Bách, bố hãy làm như đối với con, đừng bao giờ bắt em phải thật giỏi, thật xuất sắc hay phải đứng đầu lớp”.

Tôi chỉ dám nói mình may mắn. Mỗi đứa trẻ đều có những những khả năng tiềm tàng mà phải cần thời gian, cần phải tìm hiểu, cần tạo cho chúng những cơ hội phát huy.

Một đứa trẻ giỏi, xa hơn, để trở thành một người thành công trong cuộc sống không quyết định bởi những điểm số ở các kỳ thi. Những điểm số ấy dù thấp, thậm chí thậm tệ thì cũng không đánh giá được tài năng và nhân cách con cái chúng ta.

Hãy kiên nhẫn. Và quý vị, xin hãy cho phép con mình được học dốt.

Đừng bắt chúng sống thay chúng ta, sống bằng căn bệnh thành tích của người lớn và thói hư danh của chúng ta…

Bài viết cùng chủ đề: