Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
75 lượt xem

Lầm tưởng bỏ phố về rừng là "mua đất, xây nhà bê tông"

Nhiều người về quê mua đất vì rẻ, ‘trông cũng đẹp và có tiềm năng kinh tế’ rồi ảo tưởng mình đang sống hòa hợp với thiên nhiên.

Kết quả của trào lưu bỏ phố về rừng là nhiều người “có điều kiện” mong muốn về quê mua đất làm nơi nghỉ ngơi, và thế là các nhà mái ngói bê tông khang trang ngập tràn mọi nơi với những bài viết, hình ảnh đẹp đẽ cùng những lời chúc tục tràn lên trên khắp các group “nghiện quê, nghiện rừng”.

Nhưng “giấc mơ màu hồng” này sẽ không như ta hằng tưởng tượng bởi lẽ sống ở nơi đâu cũng nhiều khó khăn mà thôi. Nuôi trồng, côn trùng, thời tiết, môi trường, sự vắng vẻ hay rất nhiều những khó khăn khác sẽ là thách thức với những người quen sống thành thị.

Cá nhân tôi bắt đầu được nhận thức thế nào là “bỏ phố lên rừng”, là “homestay” từ năm 2018, năm khởi nguồn của những chuyến ngao du. Với kiến thức hạn hẹp khi mới đi qua ngót nghét 30 vùng đất, quan sát những người sống với bản chất của rừng thực sự, những điều sau đây có thể sẽ hữu ích dành cho bạn trước khi thực sự quyết định “bỏ phố về rừng”:

1. Giữ nguyên nét thiên nhiên vốn có, tôn trọng rừng

Việc này sẽ khá là thách thức với những người thành thị tân tiến, công nghệ hoá đi cùng với các kiến trúc bê tông hoá đời mới.

Nếu bạn muốn bỏ phố về rừng vì trào lưu, vì nghỉ dưỡng, vì đất ở đó rẻ và trông có vẻ đẹp, vì nó có tiềm năng kinh tế, vì muốn cuộc sống hiện đại như ý mình muốn nhưng lại chọn một nơi không phù hợp, vậy thì ở lại thành phố không phải tiện hơn sao? Đó chính là lý do chính vì sao rất nhiều nhà đầu tư vào homestay thường hay gặp thất bại.

Tôi từng chứng kiến rất nhiều homestay của người bản địa, với kiến trúc đơn sơ và đầu tư không quá nhiều, lại đông khách hơn rất nhiều so với các resort. Khi chọn một mảnh đất để bỏ phố về rừng, bạn hãy lưu ý tới văn hoá, thổ nhưỡng, cây cối và môi trường xung quanh có lợi thế cho dự án mà mình sắp xây hay không.

Tưởng tượng một vùng đất hoang sơ lại mọc lên một toà bê tông tráng lệ thì quả thực đẹp không thấy đâu, chỉ thấy kệch cỡm và bạn sẽ mau chán mà thôi.

2. Giữ nguyên bản sắc của người bản địa

Giữa một vùng đất người dân tộc bản địa, thực khách du lịch đến đó để trải nghiệm về những món ăn lạ lẫm của núi rừng hơn là những bữa salad, buffet thường thấy trên thành phố. Hay bạn không thể đem câu chuyện toà Bitexco sẽ là biểu tượng của Việt Nam ra để kể giữa cánh đồng Tả Van. Hay bật nhạc dân ca Tây Bắc trong đêm Đà Lạt đầy huyền ảo…

Sẽ chẳng muốn ai muốn tận hưởng và quay lại một nơi như thế.

Nếu bạn xác định rằng mình hãy quên đi phố xá thành thị và sống một cuộc sống như người bản địa, việc “bỏ phố về rừng” sẽ là một quyết định đầy thú vị với bạn.

3. Chấp nhận những khó khăn về địa lý, môi trường, sinh hoạt, thời tiết

Về rừng thì bạn sẽ gặp những trải nghiệm như thế nào?

Vấn đề đầu tiên là điện. Tất nhiên đa số thị trấn trên rừng đều có điện đầy đủ, nhưng ở những nơi có địa hình, cảnh vật độc đáo hơn, cần đi sâu vào trong bản làng thì hãy sẵn sàng mọi tình huống về điện. Điện có thể bị cúp và tôi đã được trải nghiệm thú vị với ánh nến.

Côn trùng: Đã ở rừng là sẽ có côn trùng. Ngoài ra sẽ cần phải lường trước các con vật như rắn hoặc các loài bò sát khác.

Môi trường: Về cơ bản, rừng khá sạch sẽ, không khí trong lành, nước suối trong vắt róc rách. Nhưng môi trường tự nhiên thì sẽ dễ vấy bẩn, đất cát…, bạn phải chấp nhận.

Sinh hoạt: Sau 8h tối bạn khó có thể đi chơi vì ngoài trời tối om, toàn là rừng cây và đồng ruộng.

Thời tiết: Lên núi thì chắc chắn mùa hè sẽ vô cùng mát mẻ, nhưng mùa đông lại rất lạnh. Nếu bạn hoạt động thể chất nhiều (làm vườn, đi lại…) thì sẽ không gặp trở ngại gì quá lớn. Ở trên cao thì sẽ có nhiều mây, trăng sao to và rõ ràng hơn, càng ở cao thì khả năng gặp Milky way sẽ càng lớn. Ban đêm ngắm những thứ đó cũng vi diệu lắm.

Nhưng tôi có một trải nghiệm khó quên khi ở Y Tý là buổi đêm đang bắc ghế ngoài chòi sân để ngắm sao và uống bia, thì bỗng dưng cơn mưa giông ập đến. Mây bay từ đâu đến lao sầm vào người, xung quanh bỗng nhiên mù mịt và trong đám mây phía xa còn có cả chớp.

4. Bạn có phải là người sống thuận tự nhiên?

Cái này sẽ liên quan rất nhiều đến sinh hoạt và sự phát triển lối sống của bạn khi về rừng. Thay đổi phần lớn thói quen sẽ là điều mà các bạn thành thị cần làm khi muốn về rừng.

Trên thế giới, sống thuận tự nhiên được hiểu đơn giản là lối sống đề cao nhưng giá trị tự nhiên nguyên bản nhất trong các mối quan hệ của con người, bao gồm sự kết nối với thiên nhiên, với cộng đồng và với gia đình. Sống gần gũi và bảo tồn thiên nhiên, xây dựng cộng đồng văn minh đồng thời gắn bó sâu sắc với gia đình là những giá trị mà lối sống thuận tự nhiên hướng đến. Tại nhiều nơi trên thế giới, lối sống thuận nhiên đang trở thành tiêu chuẩn sống hoàn hảo mang đến một cuộc sống thực sự hành phúc từ bên trong như Bhutan hay nhiều quốc gia Bắc Âu.

Khái niệm này có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng cơ bản hướng tới việc bạn có thể hòa hợp được với thiên nhiên đến đâu.

5. Tận hưởng không gian núi rừng đem lại

Phải vậy, nếu bạn muốn có một cuộc sống bền vững tại rừng, ngoài việc thích nghi bạn còn phải học được cách tận hưởng nơi đây.

Địa hình núi, rừng, suối, thiên nhiên sẽ đem đến không ít tiện ích cho cuộc sống của bạn. Nếu biết cách, bạn có thể tận dụng rừng cây có sẵn để phủ xanh ngôi nhà. Trồng trọt chăn nuôi theo loại hạt và con vật phù hợp với vùng đất sẽ giải quyết chuyện ăn uống, thực phẩm sạch sẽ đảm bảo. Nước suối có thể dùng làm nước sinh hoạt cũng rất tiện và sạch sẽ. Đồi núi là nơi vô cùng thích hợp cho các hoạt động thể chất như cắm trại, trekking, leo núi, hái lượm…

5 điều trên là những điều cơ bản giúp cho việc cân nhắc “bỏ phố về rừng” của bạn được quyết định chính xác.

Ngày nay, rừng, cuộc sống bản địa và văn hoá dân tộc là những gì đã tạo nên và gìn giữ con người, và ngược lại con người hơn ai hết cũng cần gìn giữ và bảo vệ những nét đẹp đó. Bạn thực sự nên đi khám phá các homestay của người bản địa các nơi để xem mình thực sự có phù hợp với việc đến đó sinh sống hay không.

Để việc bỏ phố về rừng không phải là trào lưu, mà thực sự là một lối sống chất.

Bài viết cùng chủ đề: