Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
87 lượt xem

Nghe chuyên gia “mách nước” giúp giảm chi phí thức ăn

Thức ăn chiếm tỷ trọng rất cao, khoảng 60-70% trong chi phí chăn nuôi, do vậy việc tìm ra những giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn cho vật nuôi là điều hết sức cần thiết.

Bài viết của ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội về một số vấn đề lưu ý trong việc giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.

Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tự phối trộn thức ăn chăn nuôi

Nếu như trước đây, việc sử dụng thức ăn công nghiệp đã trở thành thói quen, phổ biến thì nay trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, bà con chăn nuôi có thể dùng kết hợp vừa cho ăn thức ăn công nghiệp, vừa cho ăn thức ăn truyền thống.

Cụ thể là sử dụng cám gạo, ngô, sắn để trộn với thức ăn xanh cho lợn, gia cầm ăn. Nhất là đối với chăn nuôi lợn bản địa, lợn rừng, gà thả vườn, gà đồi, người chăn nuôi có thể dụng các loại ngô, thóc, rau, cỏ các loại, thân cây chuối, bèo… để cho con vật ăn hàng ngày. Giải pháp này vừa duy trì được tăng trọng, vừa tận dụng được thức ăn sẵn có tại địa phương, giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp.

Thời gian gần đây, giải pháp tự phối trộn thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp đã được các chủ trang trại thực hiện rất hiệu quả, với nhiều công thức đa dạng, dễ thực hiện. Tùy vào điều kiện, quy mô chăn nuôi mà bà con có thể áp dụng phương pháp phối trộn bán công nghiệp hoặc thủ công. Nguyên liệu chính vẫn là cám gạo, tấm gạo, cám ngô, đỗ tương, bột cá, bột sò, khoáng premix…

Bà con đặc biệt chú ý, thức ăn dùng để phối trộn phải đảm bảo mới, tươi, không sử dụng thức ăn đã biến chất, biến màu, biến mùi, đổi vị hay đã xuất hiện nấm mốc, không sử dụng thức ăn đã bị xuống dinh dưỡng. Khi trộn (dùng máy hay thủ công) sao cho đều và bảo quản trong điều kiện tốt nhất, tránh nấm mốc (nhất là mùa mưa, không khí ẩm thấp).

Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng

Cho ăn đúng bữa (ngày 2-3 lần), đúng giờ, đúng dụng cụ (kể cả người cho ăn) để tạo phản xạ có điều kiện cho con vật ăn tốt và ăn hết khẩu phần ăn. Không nên thay đổi thức ăn đột ngột. Nếu phải thay đổi khẩu phần, nên thay đổi từ từ để con vật thích ứng với điều kiện mới. Sử dụng hệ thống máng uống tự động để con vật uống tùy nhu cầu cơ thể.

Người chăn nuôi còn cho thêm nhiều loại thảo dược vào thức ăn cho lợn để con vật tăng sức đề kháng, thịt thơm ngon.

Riêng trong chăn nuôi lợn, gia cầm, sử dụng thức ăn đậm đặc trộn với tấm, ngô cho lợn ăn sống rất thuận lợi, tiết kiệm nhiều chất đốt và thời gian. Cần lưu ý với biện pháp này, khi cho ăn cần cho 1 ít nước, hơi ẩm để lợn, gia cầm không bị bụi cám khi tranh nhau ăn.

Nếu bổ sung chế phẩm vi sinh vào thức ăn, phải đảm bảo nguyên tắc không dùng kháng sinh. Ngoài ra, người nuôi có thể bổ sung chế phẩm vi sinh vào nước uống, đệm lót phân chuồng và phun trong không gian chuồng nuôi khi có dịch bệnh để tăng khả năng hấp thu cho con vật, hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm.

Chủ động tiêm vaccine, phòng chống dịch bệnh

Một giải pháp quan trọng nữa đó là chủ động phòng chống dịch bệnh. Trong đó, tiêm phòng vaccine đầy đủ cho vật nuôi là giải pháp tối ưu hàng đầu. Nếu bệnh dịch xảy ra, người chăn nuôi không chỉ tốn kém kinh phí, thời gian chữa trị, mà trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Nguy hiểm hơn là sự tồn dư mầm bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm trong chuồng nuôi, làm bùng phát dịch bệnh không chỉ trong hộ mà còn lây lan ngoài cộng đồng, lúc đó thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Phòng bệnh phải thực hiện đồng bộ nhiều khâu, từ xây dựng chuồng trại, trang bị vật dụng chuồng nuôi đến kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh và xuất bán vật nuôi. Thực hiện tốt điều này đã làm giảm chi phí lớn trong bối cảnh chăn nuôi hiện tại.

Chuồng trại phải đảm bảo phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, đảm bảo thoáng mát, ấm áp khi mùa Đông sắp tới, đảm bảo cách ly với môi trường xung quanh. Định kỳ tẩy uế chuồng trại sau mỗi lứa nuôi; vệ sinh và phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi.

Thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng đối với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh (Cúm gia cầm, Tai xanh, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục trâu bò…). Trường hợp vật nuôi ốm cần được cách ly và điều trị, vật nuôi chết phải xử lý theo quy định của thú y.

Bài viết cùng chủ đề: