Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
281 lượt xem

Bỏ phố về rừng: "Trào lưu nhất thời hay lối sống tích cực?"

Nếu như trước đây, khái niệm “bỏ phố về rừng” hay “bỏ phố về quê” thường dành cho những người về hưu, muốn hưởng thụ cuộc sống nhàn rỗi; thì nay đã trở thành trào lưu của không ít người trẻ. Đặc biệt trong năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, xu hướng

Và họ đã chọn lựa một lối sống khác, đi ngược dòng chảy nhập cư đô thị chủ đạo lâu nay, dám nghĩ dám làm, dám trải nghiệm và đối mặt với thất bại. Liệu họ có thể khởi đầu một lối sống tích cực mới, đóng góp xây dựng lại sự cân bằng cho hệ sinh thái và các cộng đồng người?

Một năm nay Đà Lạt trở thành nơi sinh sống và làm việc của Nguyễn Viết Đăng Trình chứ không chỉ là địa điểm du lịch của người trẻ thích xê dịch. Với công việc nhiếp ảnh gia tự do chuyên chụp cho các cặp đôi, Trình có thể tự kiếm thu nhập mỗi tháng từ 10-15 triệu, số tiền đủ để chàng niên 28 tuổi có được cuộc sống thoải mái hơn so với cuộc sống đắt đỏ ở TP.HCM:

“Một năm ở đây rất xứng đáng. Mình vẫn đang cảm thấy rất yêu thích công việc đang làm và thích môi trường mình đang sống. Mình được sống gần đồi núi thiên nhiên, và cái ko khí rất là trong lành, mình được ngắm hoàng hôn bình minh rất trọn vẹn mỗi ngày. Mình cảm giác rất thoải mái với cuộc sống hiện tại”, Trình chia sẻ.

Dịch bệnh COVID-19 là một trong những lý do chị Hoàng Thị Khánh Huyền rời Hà Nội về quê nhà Nghệ An. Chị là nhân viên đại lý bán vé máy bay nên công việc dừng lại vì dịch.

Vừa ngoài 30 tuổi, vật lộn một mình ngoài thủ đô với 2 cậu con trai, chị Huyền càng muốn trở về quê nương náu. Chỉ mới năm ngoái, khi mới trở về chị loay hoay với rất nhiều câu hỏi: 200m2 đất ở quê làm được gì? Không có vốn đầu tư từ đâu? Nhưng tới hôm nay, người phụ nữ ấy đã vượt qua thử thách, thêm vững vàng với cuộc sống mới:

“Ở ngoài thành phố không có không gian để trẻ con chơi. Nhân tiện dịch bệnh bùng phát thì mình có chỗ nhà trong quê, cho bạn về quê bạn ý ăn uống rất đúng giờ. Về đây sức khoẻ tốt hơn bao nhiêu. Nuôi gà nuôi vịt, đi củi, trôngg rau cuốc đất, làm cỏ này. Đi làm chung với mọi người đến nỗi ai cũng ngạc nhiên vì không nghĩ mình ở ngoài phố về lại làm được nhiều như thế”, chị Huyền nói.

Đến nay, mặc dù chưa có một con số thống kê chính thức về số lượng những người di dân ngược chiều này, nhưng có thể tạm chia thành 2 nhóm chủ đạo là: bỏ phố về rừng để giải toả tâm lý và bỏ phố về rừng để kinh doanh cùng lối sống hoà hợp với thiên nhiên.

Bên cạnh điểm cộng như được sống trong môi trường thực sự trong lành, ăn món ngon do chính tay mình trồng ra, ở ngôi nhà do chính mình dựng xây thì khi về rừng, rất nhiều điểm trừ xuất hiện. Để rồi, khi miền quê không còn như mộng ảo, nhiều người đành phải quay trở lại thành phố và đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Đó là câu chuyện của Tống Công Tuấn, sau một năm bỏ phố về rừng ở Đà Lạt, anh đã trở lại TP.HCM với công việc mưu sinh mà đời sống cao nguyên không đáp ứng được:

“Mặc dù thời điểm đầu mình thấy rất là thích nhưng sau đấy nhìn những người bạn xung quanh mình. Mọi người có một cái gì đấy để họ làm, là cái tài sản công việc và đam mê của họ. Còn mình thì suốt ngày chỉ có lãng đãng, làm việc rồi chơi xong nghe nhạc, đọc sách.

Nghe thì lúc đầu có vẻ như rất là thích nhưng mình nghĩ nếu mình cứ dành hết tất cả thời gian tuổi trẻ của mình làm cái việc đấy thì nó hơi uổng phí. Mình thấy chắc là đến lúc mình quay về TP.HCM để mình tập trung phát triển công việc của mình lựa chọn”.

Còn với Hoàng Quân hành trình về với thiên nhiên được chuẩn bị kỹ lưỡng sau nhiều lần đi về giữa Đà Lạt và TP. HCM để tìm hiểu văn hoá con người và cả những khó khăn ở vùng đất mới. Một homestay được ra đời như cách mà nhiều người trẻ khởi nghiệp ở Đà Lạt, với cả tiền của, mồ hôi và lòng tin tưởng.

Tuy vậy chỉ sau 2 năm bám trụ Quân đã phải từ bỏ căn nhà mình tạo dựng cùng món nợ lên tới nửa tỷ đồng, trở về thành phố kiếm việc lại từ đầu. Chưa kể một năm qua anh phải điều trị trầm cảm vì những sang chấn tâm lý vỡ mộng khi bỏ phố về rừng:

“Con đường bỏ phố về rừng chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Đừng đi vì ai cũng đi, đừng đến đó vì ai cũng đến đó, đừng ở lại vì ai cũng ở lại hoặc là bạn đang muốn chạy trốn. Bạn cần có bước chuẩn bị rõ ràng về tài chính và kỹ năng để tạo dựng một sự nghiệp mới”, Quân tâm sự.

Bỏ phố về rừng không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Đó là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững, biến việc về quê thành một xu hướng chọn việc làm của một thế hệ, khi Việt Nam có đến hơn 65% dân số ở khu vực nông thôn.

Theo Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, nếu như vì áp lực mà chọn cách bỏ phố về rừng như một kiểu ở ẩn và từ chối những tác động mà bản thân mình không tải nổi thì đây là giải pháp chưa hẳn là tốt:

“Bởi áp lực cuộc sống nơi nào cũng có, để có thể sống tốt thì ở rừng hay ở phố đều đòi hỏi những nhóm năng lực nhất định. Nếu từ bỏ một nơi đến một nơi khác bởi sự trốn tránh, không chuẩn bị tâm thế cho nơi mình sắp đến, sự thất bại có thể xảy đến bất cứ lúc nào”.

Xu hướng bỏ phố về rừng hay về quê mùa dịch diễn ra ở khắp trên thế giới, không chỉ riêng ở nước ta. Sự dịch chuyển này cũng mang tới nhiều cơ hội cùng thách thức mới. Các bạn trẻ có lối sống đô thị, tiếp nhận những tiến bộ khoa học – kỹ thuật có thể mang những điều học được khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng nông thôn.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: “Ta cứ nhìn nông thôn toàn khó khăn nghèo đói mọi thứ điều kiện không đủ. Chính lớp trẻ quay về nông thôn thì mới làm cho nông thôn phát triển. Chương trình nông thôn mới chỉ tạo điều nhất định về hạ tầng. Nông thôn phải có con người có năng lực tái cân bằng lại làm cho vùng nông thôn hấp dẫn hơn”.

Và quan trọng nhất, những người trẻ bỏ phố về rừng không chỉ để thỏa mãn sở thích nhất thời mà hãy cùng cộng đồng dân cư bản địa tạo ra một môi trường sống lý tưởng.

Như câu chuyện của Võ Thành Luân (sinh năm 1987) với dự án Thời thanh xuân triển khai từ năm 2016, giúp cho những người trẻ không nghe nói được có thể trải nghiệm về nghề nghiệp, tích luỹ vốn để sống tự lập.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người yếu thế, dự án Thời thanh xuân còn theo đuổi sản xuất các dòng sản phẩm tự nhiên từ chính cây cỏ vùng đất Đà Lạt với phương pháp sản xuất không gây hại hay tàn phá thiên nhiên:

Theo Võ Thành Luân: “Cái quan trọng nhất khi làm kết hợp du lịch bền vững thì mình không nên phá vỡ những cái tự nhiên vốn có của người địa phương. Và mình cũng không muốn mọi người làm cho miếng đất này sốt lên. Mà hãy làm cho miếng đất này giàu hơn về giá trị văn hoá”.

Dự án Thời thanh xuân thu hút được rất nhiều tình nguyện viên. Họ là những người trẻ đang loay hoay với hành trình tìm lý tưởng sống một thanh xuân đẹp đẽ. Nhiều người đơn giản đến nhà của thời thanh xuân để bỏ qua bộn bề cuộc sống bon chen đố kỵ. Họ cùng làm việc chung sống, học ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với các bạn khiếm thính, sống chan hoà với cỏ cây của Đà Lạt:

“Tất cả dự án của mình có một thước đo. Thước đo thứ nhất là mình có bảo vệ thiên nhiên không? Thước đo thứ hai là các bạn khiếm thính có hạnh phúc hay không? Những cái gì nó thuộc về Đà Lạt, mọi người tới sống và trải nghiệm mọi người sẽ cảm giác rất là hạnh phúc. Thì đấy là mục đích cuối cùng của mình. Mình cảm giác như là việc mình đang chia sẻ với mọi người nhiều hơn thì mọi người sẽ thấy những điều tốt đẹp”.

Cùng với “Thời thanh xuân”, nhiều dự án khác của các bạn trẻ lựa chọn bỏ phố về rừng cũng đang dần khẳng định mình mong muốn một lối sống mới tích cực, chứ không chỉ là trào lưu nhất thời.

Thế nhưng, trước khi hái được trái ngọt, bạn hãy tự ngẫm về bức tranh hiện thực sẽ phải trải qua. Dù ở phố hay về rừng, chúng ta vẫn cần nỗ lực hết mình để “sống một cuộc đời đáng sống”.

Bài viết cùng chủ đề: