Vịt suối được nuôi thả tự nhiên, không dùng cám tăng trọng, ít công chăm sóc, bán “đắt như tôm tươi” đã mở hướng phát triển kinh tế mới, giúp nông dân huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) thoát nghèo.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi vịt suối quy mô nông hộ
Đi qua các huyện miền núi Tân Sơn, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) thường bắt gặp hình ảnh đàn vịt bơi lội tại những con suối. Vì lẽ đó, người dân bản địa gọi là vịt suối.
Vịt suối có lông nâu xám, cổ ngắn, mỏ nhỏ, chân nhỏ, vịt trưởng thành con to nhất cũng chỉ khoảng 2kg. Vịt suối sáng được thả ra ruộng, suối, chiều tối tự về nhà theo đàn.
Thức ăn của vịt suối đơn giản, dễ kiếm như: Ốc, tôm tép, ếch nhái nhỏ, cua, cá, rong rêu hoặc được người nuôi cho ăn thêm ngô, khoai, sắn, thân cây chuối.
Tại các bản, làng huyện miền núi, nhà nào cũng nuôi vịt nên mỗi nhà tự tạo một ký hiệu riêng cho vịt của nhà mình để tránh nhầm lẫn.
Gia đình ông Hà Văn Mong (xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) vốn khó khăn. Vài năm nay, gia đình ông mạnh dạn chăn nuôi vịt suối bán thương phẩm và trứng. Hiện, vịt suối là nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Mong.
Mỗi năm gia đình ông Mong nuôi được 2 lứa vịt suối, mỗi lứa khoảng 100 con. Đến kỳ thu hoạch, vịt suối đắt hàng như tôm tươi, với giá 100.000 đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình ông Mong thu về lãi hơn 40 triệu đồng/năm, cuộc sống sinh hoạt gia đình được cải thiện rõ rệt.
Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, chăn nuôi vịt suối đã có ở huyện Tân Sơn, Thanh Sơn đã có từ lâu, nhưng manh mún, tự phát, chưa có liên kết đầu ra ổn định.
Những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi vịt suối quy mô nông hộ. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có khoảng 50 hộ nuôi vịt suối, quy mô khoảng 30-100 con/hộ.
Mô hình nuôi vịt suối tập trung tại các xã Xuân Sơn, Kim Thượng, Lai Đồng của huyện Tân Sơn và xã Đông Cửu của huyện Thanh Sơn. Thời gian nuôi vịt suối từ 4-5 tháng, giá bán vịt suối thương phẩm khoảng 100.000 đồng/kg, người chăn nuôi thu lãi từ 40.000 – 50.000 đồng/con.
Mô hình nuôi vịt suối quy mô nông hộ là hướng mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp giải quyết việc làm và tăng nhu nhập cho người dân, từng bước giúp các hộ chăn nuôi ở huyện miền núi Phú Thọ xóa đói, giảm nghèo.
Xây dựng thương hiệu vịt suối Phú Thọ
Được chăn thả đa phần ngoài tự nhiên, tắm mình giữa những dòng suối mát lành chảy ra từ núi đá, nên vịt suối có thịt thơm, ngọt, ít mỡ, được người dân lựa chọn là món ngon dùng để đãi, tặng quà khách quý.
Vịt suối cũng là món ăn được khách phương xa luôn tìm thưởng thức mỗi khi có dịp về tham quan, du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn và trở thành một trong những sản phẩm đặc sản nổi tiếng của huyện Tân Sơn.
Anh Nguyễn Văn Toàn (Hà Nội) cho biết, ở Phú Thọ, đặc biệt là huyện Tân Sơn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc, thác suối Mơ… Cứ dịp nghỉ lễ, gia đình anh Toàn về đây nghỉ ngơi, du lịch.
“Và món ăn vịt suối không lần nào chúng tôi bỏ qua. Thực sự, vịt suối ở Tân Sơn rất đặc biệt, thịt mềm, thơm, ngon, ngọt, ăn rồi nhớ mãi, luôn muốn trở lại để thưởng thức”, anh Toàn vui vẻ nói.
Ngày nay, trước nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, vịt suối Phú Thọ đang được phát triển nhân rộng khắp ở các xã có hệ thống sông, suối, hồ, ao, đập… có nguồn nước trong lành; bắt đầu hình thành hệ thống cung ứng, sản xuất và tiêu thụ vịt suối theo chuỗi giá trị.