Ông Cấn Văn Phúc là một trong những hộ gia đình được Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất chọn tham gia mô hình chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai từ năm 2020.

Nuôi dê dưới tán rừng vừa nhàn, vừa cho lãi khá

Tận dụng lợi thế địa hình là vùng đất bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng, từ 11 con dê giống ban đầu, đến nay đàn dêcủa ông Cấn Văn Phúc (ở thôn 1 Yên Bình, xã Yên Bình, Thạch Thất) đã sinh sản lên gần 50 con, trong đó có 15 dê nái đang trong thời kỳ sinh sản.

Mô hình nuôi dê sinh sản của ông Phúc.

Ông Phúc cho biết: Dê là loài động vật ăn tạp, địa phương lại có quỹ rừng phòng hộ tương đối lớn, do đó nguồn thức ăn luôn phong phú, sẵn có trong tự nhiên, không mất nhiều vốn đầu tư. Đặc biệt, dê sinh sản nhanh (1 năm cho 3 lứa), trong khi nhu cầu của thị trường lớn nên đầu ra thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Phúc tiết lộ, với mỗi con dê trưởng thành sẽ đạt từ 25-30kg. Hiện nay, ông Phúc đang bán dê hơi với giá 160.000 đồng/kg. Với việc bán dê thịt, sữa dê, trung bình mỗi năm, gia đình ông Cấn thu lãi tới hàng trăm triệu đồng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Long (thôn Thung Mộ, xã Yên Bình) cho biết, đây là lần đầu tiên anh nuôi dê, ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi và cách phòng, trị bệnh cho dê. Được sự quan tâm, hướng dẫn sát sao của cán bộ kỹ thuật trạm khuyến nông huyện nên đàn dê của anh đã sinh trưởng, phát triển tốt.

Sau khi mô hình kết thúc, nhận thấy nuôi dê phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình nên anh tiếp tục nhân giống, tăng đàn. Từ 6 con giống được hỗ trợ, sau lứa sinh sản thứ 4, gia đình anh đã có 31 con dê. Anh đã xuất bán 15 con dê đực,thu lãi hơn 20 triệu đồng.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trước hiệu quả của mô hình nuôi dê dưới tán rừng và vùng đệm, trong năm nay đơn vị tiếp tục phối hợp Công ty cổ phần phát triển Nông Lâm cấp dê giống cho các hộ tham gia mô hình tại 2 xã Yên Bình và Hạ Bằng. Giống dê được cấp là dê cái Bách Thảo lai, khỏe mạnh, đều con, không dị tật, không mang mầm bệnh và đã được tiêm phòng bệnh.

Dê thích thu lượm và có khả năng lấy được thức ăn từ trên cao, dê thích ăn lá xoan nên không tốn kém nhiều chi phí chăn nuôi.

Người dân được hỗ trợ 50% giá trị con giống, 50% giá trị vật tư thiết yếu (bao gồm thức ăn hỗn hợp cho dê cái chửa, vaccine, tảng đá liếm), 100% các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật trước khi nhận giống.

Tiềm năng nhân rộng mô hình nuôi dê

Theo các hộ nuôi dê tại xã Yên Bình, dê là động vật dễ nuôi, có thể kết hợp nuôi nhốt và chăn thả tự nhiên. Dê là loài động vật nhai lại nên có khả năng sử dụng các loại thức ăn thô xanh và nhiều chất xơ, dê thích thu lượm và có khả năng lấy được thức ăn từ trên cao. Khi thức ăn dính bẩn, bùn đất, rơi vãi dê thường để lại không ăn nên cũng ít khi bị dịch bệnh.

Dê là loài vật có tính ưa chạy nhảy và hiếu động, thường sống tập trung thành từng đàn; khi chăn thả dê thích ngủ nghỉ trên những mô đất hoặc trên những tảng đá phẳng cao. Hiểu được những tập tính này của loài dê sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp cho các hộ chăn nuôi có những giải pháp về phương thức, kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc phù hợp và thuận lợi nhất trong quá trình phát triển đàn dê.

Để mô hình nuôi dê sinh sản năm nay thực sự đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Bùi Hải – Trạm trưởng Trạm khuyến nông Thạch Thất cho biết: Sau thời gian triển khai, mô hình chăn nuôi dê sinh sản tương đối phù hợp với đặc thù vùng miền núi và vùng đệm của huyện Thạch Thất.

Hiện mô hình này không chỉ khai thác được lợi thế, tiềm năng tại một số xã thuộc vùng miền núi của huyện, mà còn mở ra hướng sản xuất chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc thù chăn nuôi nông hộ. Do thị trường tiêu thụ thịt dê cũng như sữa dê rộng mở nên mô hình chăn nuôi dê có thể nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho bà con địa phương.