Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
100 lượt xem

"Mẹ chỉ mong con mạnh khỏe, thành tích học không quan trọng, con chỉ cần làm người tốt"

Tôi biết đứa trẻ mà tôi sinh ra rất ngoan và hiểu chuyện, và tôi cũng tự nhủ rằng sẽ không gây bất cứ áp lực gì cho con cả.

Hôm nay là một ngày dài đối với tôi, công việc ở công ty khá bộn bề, tôi lại chưa xử lý xong nhưng phải về để cơm nước cho con. Đứa con trai sắp thi cuối cấp của tôi đang phải ôn bài rất nhiều, mùa dịch vừa rồi cũng khiến cuộc sống trường lớp bị đảo lộn khá nhiều. Mấy ngày trước tôi đọc tin dữ về một cậu bé cấp 3 mà sau đó lòng đầy ngổn ngang. Tôi sợ mình vô tình khiến con cảm thấy áp lực, vì vậy từ sau hôm đấy tôi không dám lớn tiếng với con nữa.

Hôm nay về nhà, bước vào phòng thấy nó đang học bài mà tôi thầm nghĩ: “Mẹ chỉ mong con mạnh khỏe, thành tích học hành không quan trọng, con chỉ cần làm người tốt”. Tôi nhớ mấy hôm trước khi mạng xã hội bùng nổ tin tức kia, thằng bé cũng chủ động nói chuyện với tôi, nó không nói gì ngoài câu cảm thán: “Sợ quá mẹ ha!”. Bản thân tôi cũng chẳng dám nói gì thêm, cứ lơ đi, vì tôi không dám đối mặt. Tôi biết đứa trẻ mà tôi sinh ra rất ngoan và hiểu chuyện, và tôi cũng tự nhủ rằng sẽ không gây bất cứ áp lực gì cho con cả. Đôi lúc có những đứa trẻ cố gắng ngoan với bạn nhưng bên trong lại là một sự nổi loạn ngầm.

Mẹ mong con trai lớn lên một cách vui vẻ, khỏe mạnh, có nhân cách tốt, biết đối nhân xử thế.

Không có cha mẹ nào nuôi con lớn đến khi 15-16 tuổi mà không thương con cái cả, chẳng qua là cách thể hiện tình yêu của mỗi cha mẹ khác nhau. Rất nhiều bậc phụ huynh không biết phải hành xử như thế nào cả khi con cái đến tuổi dậy thì, bởi vì chẳng có trường lớp nào dạy cả.

Bản thân tôi cũng đã từng vung tay đánh đứa em trai ruột của mình khi em mới học cấp III vì em làm tôi phát điên lên và tôi không biết phải làm thế nào cả. Bản thân tôi cũng đã từng tạo áp lực cho đứa em trai ruột của mình khi muốn em đậu một trường cấp III có tiếng ở thành phố. Vì em có năng lực nên tôi kỳ vọng nó rất nhiều.

Lúc đó em trai tôi đã stress đến mức chạy đi tắm mưa với bạn và ngã mất trí nhớ tạm thời. Lúc đó tôi hối hận cực kỳ. Tôi đã không hiểu những áp lực mà em trai tôi đã chịu đựng. Nhưng lúc đó ba tôi đã nói: “Em học trường gì cũng được, học trường top bét cũng được, chỉ cần khỏe mạnh thôi”.

Rất may mắn là em trai tôi đã phục hồi và lấy lại trí nhớ bình thường, nếu không có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời.

Tôi may mắn làm trong ngành giáo dục nên sau này khi lớn tôi hiểu được và điềm đạm hơn trong cách cư xử. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách hành xử với con cái sao cho đúng. Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh khác nhau, tôi nghĩ rằng đã có rất nhiều đứa trẻ vượt qua và lớn lên nhưng lại bị “khuyết tật” về tinh thần.

Cha mẹ cần học cách trò chuyện và hiểu con cái hơn, làm bạn với con, và những điều đó cần phải được xây dựng ngay từ sớm. Con cái cũng cần học cách nói ra cảm xúc và giải quyết với những cảm xúc của mình.

Đôi lời tôi muốn nhắn gửi đến các em học sinh: Nếu các em đang nghĩ đến việc rời bỏ cuộc đời này, tôi mong các em hãy chọn ở lại. Mọi chuyện đều có thể giải quyết nếu các em còn sống, hãy học cách nói lên suy nghĩ của mình và mạnh mẽ bước tiếp.

 

Bài viết cùng chủ đề: