Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
280 lượt xem

Nhiều người cứ mong có người nối dõi, về già mới thấm 10 cậu con trai không bằng 1 mụn con gái.

Tư tưởng xem trọng con trai hơn con gái làm khổ nhiều gia đình, không biết khi nào mới bị đào thải.

Tôi và chồng quen nhau khi học đại học ở Sài Gòn rồi lấy nhau. Ba mẹ tôi thoả thuận trước khi cưới là vợ chồng tôi sống ở Sài Gòn, không về Bắc (chồng tôi người Hà Nội). Tôi là con út, được cưng chiều, nên ba mẹ sợ tôi làm dâu ngoài Bắc sẽ vất vả.

Quê chồng tôi thuộc huyện vùng ven sát trung tâm Hà Nội, nhưng nơi đây khác xa thành phố, từ nhà cửa, đường sá đến cách ăn, ở, nói chuyện đều vẫn còn khá cũ kỹ. Chuyện trọng nam khinh nữ thể hiện vô cùng rõ ràng.

Vợ chồng tôi sinh được hai cô con gái đáng yêu. Chúng tôi cũng thoả thuận chỉ có hai bé dù trai hay gái. May mắn chồng tôi rất thoải mái trong vấn đề này. Anh rất yêu thương các con. Ba mẹ chồng tôi dù hiền lành, tốt tính, thương cháu nhưng vẫn giữ tư tưởng phải có con trai để thờ tự, dù anh chồng cũng đã sinh được con nối dõi..

Vợ chồng tôi làm rõ quan điểm nhiều lần thì ông bà không nhắc nữa. Tuy nhiên, ông bà vẫn thường bị bà con, hàng xóm nói ra nói vào. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi về thăm ông bà, vẫn bị mọi người nhắc nhở, dè bỉu phải kiếm bằng được con trai.

Tôi cảm thấy rất bực bội nhưng cố nhịn, không nói gì. May mắn, chúng tôi không sống ở quê mà chỉ thỉnh thoảng về. Nhưng với nhiều gia đình khác thì không.

Đầu tiên là em chồng tôi. Em sinh được hai cô con gái vô cùng ngoan ngoãn, đáng yêu. Nhưng cả nhà chồng bắt phải sinh thêm con trai dù chồng thất nghiệp, tối ngày cờ bạc, nợ nần. Em chồng tôi buôn bán không may mắn, chỉ toàn lỗ. Nhà chồng không có tài sản gì. Bố chồng đã mất, mẹ chồng già yếu bệnh tật. Căn nhà cũng đã cầm ngân hàng để trả nợ cờ bạc những lần trước đó của chồng.

Em chồng tôi vẫn cố sinh được một cậu con trai. Thêm một đứa trẻ, chi phí tăng lên nhưng không có thêm khoản thu nhập nào. Hai vợ chồng phải xin tiền ba mẹ vợ để nuôi cả đại gia đình: mẹ chồng, chồng, em chồng và 3 đứa nhỏ. Bao nhiêu năm qua, ba mẹ chồng tôi phải bán miếng đất tiền tỷ để trả nợ cho cậu con rể cờ bạc, nuôi mấy miệng ăn cho gia đình nhà chồng của con gái.

Một gia đình khác, khá thân thiết với nhà chồng tôi, có con dâu sinh liên tiếp 3 bé gái. Nhà chồng bắt sinh bằng được con nối dõi trong khi tỉ lệ có con trai của anh chồng chỉ 5%.

Vì nhà chồng doạ lấy vợ khác cho con trai, cô vợ này 3 lần liên tiếp có thai. Sau khi siêu âm, biết đều là con gái, cô ấy phá thai cả 3 lần. Tôi nghe mà nổi hết da gà. Thật không tưởng tượng nổi. Anh chồng cờ bạc ăn chơi, vợ giỏi mua bán nhưng vì quan niệm sợ điều tiếng nên không dám ly hôn.

Một gia đình nữa là nhà vợ của anh chồng. Nhà có 4 cô con gái và một cậu con trai út. Vì được cưng chiều từ bé nên cậu con trai chỉ biết ăn chơi, cờ bạc. Anh ta lấy vợ thì được cho nhà lầu, xe hơi, tiền vốn vốn làm ăn. Làm ăn thua lỗ tại tiếp tục được cho tiền. Trong khi đó, 4 cô con gái còn lạ đi lấy chồng được ba mẹ cho một ít hồi môn và nói thẳng cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, tuyệt đối không được đòi hỏi so đo với cậu út vì cậu ấy là con trai. Các cô con gái có vay tiền làm ăn thì ba mẹ tính lãi từng đồng như người ngoài.

Trên đây đều là những gia đình mà tôi quen biết. Còn vô vàn những câu chuyện như vậy ở nơi đây nữa.

Quan niệm có con trai nối dõi, thờ tự đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều năm. Nhiều người đàn ông từ lúc sinh ra đã được cưng chiều nên từ khi còn bé đã ăn chơi, đua đòi. Nhiều người dính vào cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập từ sớm, không tu chí làm ăn, đôi khi có làm thì là phụ vợ việc vặt trong buôn bán.

Còn phụ nữ thì ngược lại. Nhiều người dù làm ăn giỏi giang, chăm chỉ, vẫn phải vừa lo chồng, lo con, lo cơm nước cho ba mẹ chồng. Nhưng tiếng nói lớn nhất vẫn là người chồng, vợ không dám than vãn.

Vì lối quan niệm trọng nam khinh nữ, cưng chiều con trai từ bé mà nhiều gia đình bán cả tài sản, đất đai, nhà cửa trả nợ cho con. Nhiều người chồng, người cha đã phải tự tử để thoát nợ, hoặc vợ chồng phải bỏ xứ đến nơi khác sống để trốn nợ cờ bạc, trốn giang hồ truy tìm. Thật không biết đến bao giờ mới thoát được cái quan niệm trọng nam khinh nữ làm khổ mình, khổ người dù nó hiện rõ trước mắt.

Bài viết cùng chủ đề: