Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
55 lượt xem

Đầu năm học mới, những khoản tiền kỳ lạ "đến hẹn lại lên"

Bước vào năm học mới 2022-2023, ngành giáo dục và các địa phương đều có văn bản chỉ đạo sẽ xử lý tình trạng lạm thu. Tuy nhiên, tại một số trường đã xuất hiện những khoản thu xã hội hóa khiến không chỉ phụ huynh ngạc nhiên vì… quá lạ.

Góp 300 nghìn đồng chọn giáo viên chủ nhiệm

Đầu tháng 8 vừa qua, việc Hội phụ huynh lớp 1A Trường Tiểu học Đội Cung (TP Vinh, Nghệ An) bàn bạc đóng 300 nghìn đồng/cháu để chọn giáo viên chủ nhiệm cho con chuẩn bị lên lớp 2 khiến không ít người ngạc nhiên.

Sau đó, bà Lại Thị Thái Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cung – cho biết đại diện Hội phụ huynh lớp 1A là bà N. đã thừa nhận sai khi vận động phụ huynh góp tiền.

Sau khi có thông tin phản ánh về việc phụ huynh lớp 1 góp tiền “chọn cô giáo chủ nhiệm”, UBND TP Vinh (Nghệ An) đã có công văn phản hồi về vụ việc.

Theo UBND TP Vinh, việc Hội phụ huynh lớp 1A, Trường Tiểu học Đội Cung (TP Vinh) nhắn tin trong nhóm Zalo của lớp về việc vận động thu tiền để xin giáo viên dạy lớp 2 năm học 2022-2023 là có thật, xuất phát từ nhu cầu muốn có giáo viên nghiêm khắc để rèn học sinh nề nếp tốt.

Đây là việc do phụ huynh lớp tự bàn bạc, Ban giám hiệu nhà trường không chỉ đạo hay hướng dẫn phụ huynh, không có thành viên trong tập thể nhà trường gợi ý hay xúi giục.

Phòng GĐ-ĐT TP Vinh đã chỉ đạo Trường Tiểu học Đội Cung thông báo rõ cho phụ huynh về chủ trương của ngành, quy định của nhà trường và khẳng định không có việc dùng tiền để xin giáo viên chủ nhiệm lớp. Hội phụ huynh phải trả lại ngay tiền cho những phụ huynh đã đóng góp.

Trẻ lớp 1 phải đóng tiền mua ghế vì… ‘nhập gia tùy tục’

Theo phản ánh của phụ huynh lớp 1C, Trường Tiểu học Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bước vào năm học mới, cô N.T.L, giáo viên chủ nhiệm lớp này thông báo mỗi em học sinh phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng và 250.000 đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi học sinh lớp 1C phải đóng 973.000 đồng.

Cô giáo này cũng nhắn trên nhóm phụ huynh rằng, việc nộp tiền mua bàn ghế là ‘nhập gia tùy tục’.

“Các lớp chủ động đóng nộp để các em sang tuần có bàn ghế học. Còn quan điểm, chỉ đạo của nhà trường, ta ‘nhập gia tuỳ tục’, tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác… Còn những phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm” – nội dung thông báo được cho là của cô L. gửi tới phụ huynh lớp 1C.

 

Tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm lớp

Bức xúc vì sự việc trên, một phụ huynh đã lên gặp bà Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, sự việc tiếp tục trở nên phức tạp khi bà Thuỷ trả lời việc học sinh đóng góp tiền mua bàn ghế, bảng là thoả thuận giữa phụ huynh. “Người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tuỳ” – Câu trả lời của vị Hiệu trưởng hiện gay ra nhiều bức xúc trong dư luận.

UBND thị xã Kỳ Anh, Phòng GD-ĐT đã tổ chức họp, rút kinh nghiệm về việc vận động tài trợ này. Tại cuộc họp, cô L. cũng thừa nhận sai khi đã nói câu “nhập gia tùy tục”. Bà Thủy cũng đã nhận lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm khi phát ngôn gây hiểu nhầm cho phụ huynh.

Bà Nguyễn Thị Tường Vân, Phó phòng GĐ-ĐT thị xã Kỳ Anh nhìn nhận, việc phát ngôn của lãnh đạo Trường Tiểu học Kỳ Trinh chưa khéo léo, vì vậy cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Vào lớp 6 phải đóng 2 triệu đồng

Trước đó, nhiều phụ huynh bức xúc vì phải nộp 2 triệu đồng khi làm thủ tục, hồ sơ cho con vào lớp 6 Trường THCS thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) mà không có phiếu thu, không được giải thích nộp khoản tiền gì.

Theo các phụ huynh, do nhà trường thu tiền vào đúng thời điểm tuyển sinh đầu cấp, nên các phụ huynh không dám có ý kiến. Năm 2022-2023, Trường THCS Núi Đối tuyển 170 học sinh lớp 6, chia thành 4 lớp.

Huyện Kiến Thụy đã phải tổ chức cuộc họp về sự việc này. Bà Vũ Thị Thu Hường – Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Núi Đối – thừa nhận nhà trường có thu 2 triệu đồng/1 học sinh đầu năm học. Theo bà Hường, số tiền này không phải thu học sinh trái tuyến, mà một số phụ huynh nhờ nhà trường mua sách vở, đồng phục, bảo hiểm… Một số phụ huynh không đồng ý nộp tiền này.

Thông báo của UBND huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đã phê bình Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Núi Đối vì đã tổ chức tạm thu một số khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho học sinh khi chưa có hướng dẫn của các cấp và sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.

Yêu cầu Trường THCS thị trấn Núi Đối hoàn trả số tiền đã thu cho phụ huynh học sinh, hoàn thành trong ngày 15/8.

Đề nghị phụ huynh góp tiền xây… trạm biến áp tiền tỉ

Mới đây nhất, tối ngày 30/8 một tài khoản mạng xã hội đăng tải nội dung khiến dư luận quan tâm: “Nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp bằng vốn xã hội hoá. Cô giáo thì nói là tuỳ tâm cha mẹ học sinh và không cào bằng số tiền cần đóng, nhưng cô lại đưa ra con số 26 triệu cần phải có đủ cho tổng số 37 em học sinh trong lớp.

Chị gái em nuôi được đứa con đi học đã là cả một vấn đề kinh tế, mỗi năm học đến là cả trăm thứ tiền. Khoản nào liên quan đến học tập thì vẫn có thể cố gắng được, nhưng cái khoản xây trạm biến áp này thật sự vô lý và nó nằm ngoài khả năng của chị gái em”.

Sau khi thông tin được đăng tải, ông Nguyễn Kim Hoằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Chân cho hay xét thấy nhu cầu của toàn thể hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh, trường đã triển khai xây dựng Kế hoạch 155 ngày 5/7/2022 xin ý kiến Sở GD-ĐT để được vận động, tài trợ kinh phí xây dựng trạm biến áp với mức dự toán 1 tỷ đồng.

Ngày 6/7, nhà trường đã làm tờ trình xin phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ xây dựng trạm biến áp 250KVA- 0,4LV.

Đến ngày 22/7, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng đã phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của Trường THPT Lê Chân năm học 2022-2023.

Thông báo của Sở GD-ĐT Hải Phòng phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ xây dựng trạm biến áp của Trường THPT Lê Chân

Tuy nhiên, sau khi dư luận phản ánh về sự việc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng đã thành lập Tổ công tác xác minh.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hải Phòng ngày 2/9, kết quả xác minh theo từng nội dung cụ thể cho thấy việc trình, thẩm định, phê duyệt Kế hoạch vận động tài trợ bảo đảm đúng thẩm quyền và các quy định. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tại nhà trường cho thấy một số vấn đề như nhà trường đã tiến hành tiếp nhận tài trợ khi chưa được được Sở GD-ĐT chấp thuận, phê duyệt Kế hoạch; có biểu hiện “cào bằng” trong việc vận động tài trợ.

Tổ công tác kiến nghị lãnh đạo Sở chỉ đạo Trường THPT Lê Chân dừng ngay việc triển khai thực hiện vận động tài trợ xây dựng trạm biến áp tại nhà trường, đồng thời hoàn trả 631.200.000 đồng đã huy động được từ phụ huynh và cán bộ, nhân viên nhà trường.

Bài viết cùng chủ đề: